Nhiệt tình với công việc – Dale Carnegie

H. V. Kaltenbor – nhà bình luận tin tức nổi tiếng trên sóng phát thanh – có lần kể cho tôi (Dale Carnegie) nghe chuyện ông đã biến một công việc tẻ nhạt trở thành thú vị như thế nào.

Hồi 22 tuổi, để vượt Đại Tây Dương, ông đã nhận công việc cho bò ăn và uống nước trên một chiếc tàu chở gia súc trên cùng tuyến đường. Khi đến Châu Âu, ông đạp xe một vòng xuyên nước Anh đến Pháp trong tình trạng mệt lả và đói khát. Ông đành đem cầm cố chiếc máy chụp hình của mình lấy 5 USD rồi dùng số tiền này đăng quảng cáo tìm việc trên tờ The New York Herald xuất bản tại Pháp. Sau đó ông nhận được công việc bán kính nhìn nổi. Tôi vẫn còn nhớ những chiếc kính nhìn nổi cổ lỗ hồi ấy. Chúng tôi thường đưa hai bức tranh giống hệt nhau ra trước kính rồi nhìn vào trong đó để thấy điều kỳ diệu xảy ra. Hệ thấu kính sẽ tạo ra hiệu ứng không gian 3 chiều và 2 hình ảnh sẽ biến thành 1, ta có cảm giác như nhìn thấy chiều sâu của khối hình ảnh đó.

Kaltenborn bắt đầu đi đến từng nhà ở Paris để bán kính, dù ông không nói được tiếng Pháp. Tuy vậy, ngay trong năm đầu tiên, ông vẫn kiếm được 5000 USD tiền hoa hồng và trở thành một trong những nhân viên bán hàng được trả thù lao cao nhất tại Pháp năm đó. H. V Kaltenborn nói với tôi rằng kinh nghiệm từ việc bán hàng đã cho ông nhiều phẩm chất để tiến đến thành công, không thua gì việc học ở Đại Học Harvard. Quan trọng nhất là sự tự tin. Ông khẳng định rằng việc ông bán kính đã cho ông kinh nghiệm và sự tự tin đến mức ông có cảm tưởng mình có thể bán được cả tờ Biên bản Quốc hội cho những bà nội trợ Pháp!

Việc gõ cửa từng gia đình để bán hàng đã cho ông những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người Pháp, và chính những kiến thức vô giá ấy sau này đã hỗ trợ ông rất nhiều trong việc phân tích và bình luận các sự kiện của Châu Âu trên sóng phát thanh.

Kaltenborn làm cách nào để trở thành một chuyên gia bán hàng trong khi bản thân ông không thể nói được tiếng Pháp? Ông đã nghĩ ra cách nhờ sếp của mình viết hộ ra giấy một bài chào hàng bằng tiếng Pháp chuẩn, rồi cố học thuộc lòng. Khi một bà nội chợ bước ra mở cửa, Kaltenborn liền tuôn ra bài chào hàng đã học thuộc với một kiểu phát âm tệ hại đến mức ai cũng phì cười. Rồi vừa nói, Kaltenborn vừa cho các bà nội chợ xem những hình ảnh qua kính nhìn nổi. Khi họ hỏi lại một câu gì đó, ông sẽ chỉ nhún vai và nói”Người Mỹ… Người Mỹ…”. Sau đó, ông ngả mũ xuống và chỉ vào tờ giấy chào hàng đã viết sẵn bằng tiếng Pháp mà ông đã dán ở bên trong. Những bà nội trợ sẽ bật cười, ông cũng vừa cười vừa cho họ xem thêm nhiều hình ảnh nữa.

Khi kể với tôi chuyện này, H. V. Kaltenborn thú thực rằng công việc ấy chẳng dễ dàng chút nào và chỉ có một động lực duy nhất khiến ông theo đuổi đến cùng đó là: quyết tâm làm cho công việc trở nên thú vị. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông lại nhìn vào gương và tự lên dây cót tinh thần cho mình: “Này Kaltenborn, nếu muốn có cái ăn, mình phải làm công việc này. Đằng nào cũng phải làm, vậy sao không làm cho thật vui vẻ? Sao không tưởng tượng mình là một diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu mỗi lần gõ cửa nhà khách hàng? Suy cho cùng, những gì mình đan làm cũng ngộ nghĩnh hệt như một màn biểu diễn trên sân khấu. Vậy sao mình không làm việc bằng tất cả sự phấn khởi và nhiệt tình?

Ông Kaltenborn tâm sự rằng, việc ngày nào cũng tự lên dây cót tinh thần đã biến công việc mà ông từng khiếp sợ và ghét cay ghét đắng trở thành một cuộc thử sức đầy lý thú và còn mang lại cho ông một khoản thù lao lớn.

Khi tôi hỏi ông liệu có muốn đưa ra lời khuyên nào cho những bạn trẻ vốn đang háo hức được thành công? Ông trả lời: “Lời khuyên của tôi chỉ là mỗi sáng hãy tự đấu tranh tư tưởng với chính mình. Ai cũng nói rằng những bài tập thể dục có tác dụng rất lớn trong việc giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng ngái ngủ. Nhưng cái chúng ta cần làm nhiều hơn nữa chính là những bài tập tinh thần vào mỗi buổi sáng để được tỉnh táo hoàn toàn và bắt tay vào công việc. Hãy tự nói chuyện để lên dây cót tinh thần cho mình vào mỗi buổi sáng.

Liệu có phải là một việc làm ngốc nghếch, vớ vẫn và trẻ con không? Trái lại, trái lại nó là một việc làm cần thiết xét dưới góc độ tâm lý. “Ta nghĩ thế nào thì cuộc sống của ta sẽ như thế ấy”, câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị suốt 18 thế kể qua, kể từ lần đầu tiên được Marcus Aurelius viết ra trong tác phẩm Meditations (Những suy tưởng).

Qua việc tự nói chuyện với mình mỗi ngày, bản thân bạn sẽ được định hướng bằng những suy nghĩ tích cực, hạnh phúc, mạnh mẽ và thanh thản. Khi nhắc nhở mình phải biết ơn những thứ đã có, bạn có thể khiến tâm hồn mình luôn tràn ngập trong những xúc cảm bay bổng và vui tươi.

Với những suy nghĩ đúng đắn, hợp lý, bạn có thể làm cho mọi công việc trở nên dễ chịu hơn. Ông chủ nào chẳng muốn bạn say mê với công việc để làm giàu thêm cho ông ta. Nhưng đừng bận tâm đến việc sếp của bạn muốn gì, hãy chỉ nghĩ đến sự hứng thú mà công việc đem lại cho bạn. Hãy tự nhắc bản thân rằng niềm say mê công việc sẽ giúp nhân đôi hạnh phúc trong cuộc đời bạn, bởi bạn dành gần như một nửa cuộc đời để làm việc.

Hãy luôn nhắc nhở mình rằng hứng thú với công việc sẽ khiến đầu óc bạn được thảnh thơi và về lâu dài, nó còn giúp bạn thăng tiến và được tăng lương. Ngay cả khi không làm được như thế, thì nó cũng làm giảm tối đa sự mệt mỏi của bạn và giúp bạn có được những giờ phút thư giãn.

Cách tốt nhất để xua tan nỗi buồn chán, tìm thấy thêm niềm vui và sự thú vị trong công việc là áp dụng nguyên tắc 5: Nhiệt tình với công việc.

(Trích dẫn từ: Hãy quẳng gánh lo đi… của Dale Carnegie)

Chú giải:

Marcus Aurelius Antonius Augustus (121 – 180): Hoàng đế La Mã, trị vì từ năm 161 cho đến khi ông băng hà vào năm 180. Marcus Aurelius nổi tiếng như một triết gia và được xem là một trong 5 vị hoàng đế anh minh của đế chế La Mã.