Các câu nói hay trong phim

Một ngày cuối năm, tự nhiên lại muốn viết gì đó như một tự sự của bản thân. Có lẽ cần viết ra những thứ có ảnh hưởng tới cuộc sống và cách tư duy của tôi. Mọi thứ đều có trình tự và lý lẽ riêng của nó, chẳng biết bắt đầu như thế nào. Các ý niệm nhớ được có thể nó lộn xộn trong mớ bòng bong của não bộ. Vậy tôi nhớ tới đâu viết tới đó để không đứt mạch cảm xúc. Việc sắp xếp lại sẽ là bước hoàn thiện sau cùng.

Chẳng biết vì lý gì, nhưng những câu nói trong phim ảnh nó kích thích tôi từ khi còn rất nhỏ. Từ thuở mà chúng ta xem phim trên tivi đen trắng với những tên hãng huyền thoại kiểu như Sanyo hay Sony, JVC…

Thế hệ 7x như tôi, chắc hẳn các bạn đã từng xem phim Nô tì Isaura. Vâng đúng đấy, cô gái có hình ảnh phía trên chính là người mà tôi muốn nói đến. Nhưng cốt lõi không phải là cô ấy, mà là câu nói trong phim này liên quan tới cô ấy.

Isaura có một mối tình éo le với 1 người không phải là nô tỳ (thế mới lên chuyện), đó là anh chàng Tobias. Hai người hò hẹn nhau trong ngăn cấm và định kiến của xã hội phân biệt giai tầng. Mà thôi không phân tích sâu quá vấn đề này. Câu nói của Tobias gây ấn tượng mạnh mẽ vào tai mình khi còn bé tí, đâu đó lớp 3 hay 4 gì đó của thập niên 80. Làm nhớ mãi đến hôm nay. Nó đây: “…Nếu em không đến sẽ làm lòng anh tan nát“.

Bối cảnh thế nào đó không nhớ hết, nhưng 2 người hẹn nhau ở một địa điểm ghi trong mảnh giấy. Nội dung nó về sự nhớ nhung và họ cần phải gặp nhau ở một địa điểm bí mật, nhưng câu chốt là vậy.

Oh. Tất nhiên rồi, cái gì nó liên quan đến tình yêu thì nó làm người xem dễ nhớ. Kể cũng lạ, khi đó mình mới là cậu oắt con mà bị câu này hằn sâu trong đầu đến vậy. Nhớ tới giờ luôn. Có lẽ vì sự thương cảm cho Isuara và tính lãng mạn của mối tình.

Khơi mào vậy. Dưới đây tôi sẽ liệt kê hàng loạt câu nói hay trong phim ảnh, bạn chỉ việc click vào câu nói tương ứng sẽ có bài viết cảm nhận về câu nói đó. Quá trình sẽ mất nhiều thời gian để đọc và viết. Bạn hãy kiên nhẫn nhé, chỉ vui thôi. Bạn đừng nghĩ quá nhiều.

Câu nói chỉ hay khi biết bối cảnh ra đời của câu nói đó. Và nó do ai nói ra?

Nếu con muốn thành công, con hãy là người đến sớm nhất và ra về trễ nhất.
Những tay đua kiệt xuất – Korea

Những tay đua kiệt xuất. Nhân vật bên trái gây ấn tượng mạnh mẽ về ý trí phấn đấu.

Dong Suk (tên nhân vật có thể bị viết sai) là người mà tôi muốn nói đến. Niềm đam mê thiết kế xe hơi cháy bỏng. Dong Suk xin được vào làm việc tại công ty Kyong Motor, mang niềm vui về khoe với cha và được ông cho lời khuyên trên. Người cha dạy con bằng một thứ cô đọng nhất có thể. Chẳng nhiều lời lẽ giáo điều.

Dong Suk thực hiện đúng lời cha dạy và chính ông là người lái xe chở con tới nhận việc trong ngày đầu đi làm. Khi bước vào cty, đứng ở hành lang sau khi các thủ tục cần thiết với bảo vệ đã xong. Hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chàng trai là một hành lang dài hun hút được lát gạch bóng lưỡng. Chỉ có bóng chị lao công đang lau dọn hành lang soi xuống nền gạch. Một tiếng động khẽ nhất cũng đủ làm tâm trạng thử thách trỗi dậy trong lòng Dongsuk. Hình ảnh ấy ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí tôi, bởi trong lòng nghĩ rằng, nếu sau này mình tốt nghiệp đại học, nếu được đi làm một cty như thế, không biết mình sẽ hành xử như thế nào.

Khi vào làm, dưới sự quản lý khắt khe của sếp trực tiếp và đặc biệt là tính khó chịu của lãnh đạo đã gây không ít áp lực cho Dongsuk. Cứ mỗi bản vẽ thiết kế xe đem lên trình là nhận được hàng loạt sự chỉ trích, và mỗi lần như thế bản vẽ lại bị xé vì những lỗi không rõ ràng. Không hề bỏ cuộc, Dongsuk quay về phòng làm việc với gấp đôi năng lực và thời lượng. Làm cho đến khi hành lang chỉ còn lại người bảo vệ cty đi tuần an. Cứ thế với bao nỗi áp lực chồng chất, cuối cùng bản vẽ thiết kế xe đua cũng được chấp nhận sau khi bỏ qua hàng loạt bản thiết kế của các đồng nghiệp khác. Giải đua xe mang lại thành công rực rỡ cho Cty Kyong Motor trên bản thiết kế của Dongsuk.

Câu nói trên ấn tượng và ghi đậm trong lòng tôi khi tôi đi làm và nó như một kim chỉ nam cho bản thân phải nỗ lực từng giây phút. Mọi sự khắc nghiệt trong công việc sẽ chẳng là gì nếu bạn có một mục tiêu phải đạt được và đừng bao giờ bạn bỏ cuộc.

Dongsuk đã bước chân vào hành lang của Kyong Motor với một đam mê và mục tiêu thiết kế những chiếc xe đua hàng đầu. Mọi trở ngại trên con đường đi đến đích ấy sẽ chẳng làm ngục ngã được chàng trai trẻ. Và vì thế thành quả mới tới, mới được đứng trên bục vinh quang.

Sở dĩ gia đình em có được như hôm nay là vì mẹ em không bao giờ cãi lời bố em.
Người mẫu – Korea

phim Người Mẫu - Hàn Quốc
Câu nói đến từ cô gái đứng ở giữa với người đàn ông phía trước.

Bộ phim này xem đã quá lâu và lại chỉ có một lần, do vậy những tình tiết có thể không được mô tả một cách chính xác ở dưới đây. Cốt chuyện và hoàn cảnh của câu nói đó mới quan trọng.

Bộ phim nào chẳng có ít nhất một mối tình, và tình yêu đó thế nào chẳng có những uẩn khúc? Nó lôi kéo người xem và đọa đày nhân vật trong phim đó. Ở đây, mối tình cũng đầy những chông gai và nước mắt. Điều đáng nhắc ở đây là nó bắt nguồn từ một động cơ không trong sáng. Lee Jung, chàng trai đẹp nhất trong bức hình trên quyết tâm chinh phục cô gái đứng sau lưng. Mục đích chỉ để trả thù. Trả thù ai, vì cái gì không quan trọng, vấn đề là cô gái đứng sau kia không quan tâm đến việc đó. Cô đang nắm giữ một gia tài và điều hành một cty của gia đình, chàng trai kia là người mẫu tiềm năng và cty cần phải có. Lợi dụng điều này, Lee Jung đến với cô gái bằng sự chinh phục, giả yêu cô ấy để thực hiện việc trả thù.

Hàng tá người xung quanh đặt nghi vấn đến chàng trai và lý do nào lại yêu một cô gái với đôi chân cà nhắc? Vì tài sản của cô ấy hay vì điều gì? Bỏ qua ngoài tai tất cả, đôi bạn vẫn đến với nhau bằng tình yêu và gắn liền với công việc. Sự trân thành của cô gái mãi cũng đến lúc Lee Jung mủi lòng và thắc mắc với cô gái. “Em biết a đến với em không phải vì tình yêu, cớ sao mọi điều anh đưa ra em đều chấp nhận hết?” Cô gái chỉ bước đi và nói với Lee Jung câu nói ở trên.

Cách mà người ta thể hiện cảm xúc cũng như cách ứng xử của cô gái sao họ tri thức và lịch thiệp đến kỳ lạ. Chẳng một lời oán thán hay than thân trách phận nào được đưa ra. Cũng chẳng đố kỵ hay vì cái tôi vĩ đại nào. Rằng tôi biết tỏng ý đồ của anh, hay abc xyz như một cách phản ứng của số đông thường làm.

Lời nói của cô gái chất chứa quá nhiều thông điệp mà có lẽ lúc còn là sinh viên tôi không thể hiểu hết được. Cảm nhận được sự kỳ diệu của câu nói đó như một thứ khẳng định sự đồng thuận vợ chồng, yếu tố đầu tiên mang lại sự thành công cho gia đình. Điều đó nó minh chứng bằng chính gia đình của cô gái và cô ấy học được.

Đâu đó ta hay nghe chuyện bi hài rằng: Phàm những chuyện hệ trọng trong đời nên về hỏi vợ. Vợ nói thế nào cứ làm ngược lại thì ắt sẽ thành công. ??

Một sự trùng lặp là dịp này (07/02/2019) vnexpress cũng có cuộc bầu chọn cho phim do nữ diễn viên trong phim này đóng. Kỳ lạ là phim Người Mẫu xếp thứ nhất về bầu chọn. Bạn tham khảo tại đây: Người Mẫu – Model – 1997

Anh là người có học, anh phải biết ứng xử chứ?
Cô dâu 16 tuổi – Nhật Bản

Trực Nhân & Tiểu thư Bách Hợp (giả)

Câu chuyện xoay quanh cuộc hôn nhân giả tạo giữa cô tiểu thư Bách Hợp và anh chàng Trực Nhân. Bối cảnh thế nào và mục đích của cuộc hôn nhân ấy được tóm gọn trong tập 2 của bộ phim. Mỗi người có một mục đích riêng và cuộc hôn nhân này là dấu mốc họ phải vượt qua.

Bách Hợp (thật) là kết quả của một cuộc tình ngoài hôn nhân. Bố cô đem về nuôi khi mẹ cô qua đời. Tuổi thơ bất hạnh như thế, khi cha cô đem về nuôi, sống trong một gia đình giàu có, các vấn đề của cơ nghiệp nảy sinh. Đứng giữa các áp lực của gia đình, để cứu vãn hoặc chiếm đoạt công việc làm ăn của gia đình Trực Nhân, cuộc hôn nhân với anh ấy cần thiết phải có. Bách hợp nhân ra rằng hôn nhân không tình yêu sẽ đến lúc sụp đổ và cô đã bỏ đi.

Kịch bản đã được lên, không thể không thực hiện và Bách Hợp (giả) xuất hiện. Tiểu thư giả sống trong trại mồ côi, cũng có tuổi thơ chẳng khác nhân vật chính là mấy. Một bản hợp đồng được thảo ra để Bách Hợp giả kết hôn với Trực Nhân. Thật may mắn là người giả và thật lại giống nhau đến khó ai phát hiện được.

Gia đình Trực Nhân cũng cần một cuộc hôn nhân để giữ lấy cty của gia đình. Chi tiết thế nào bạn có thể xem nó ở đây:

 

Mỗi người có một nỗi khổ riêng mà chẳng thể nói ra, mọi thứ cứ diễn ra theo kịch bản mà người quản gia đi theo Bách Hợp giả để giám sát và dẫn dắt.

Một gia đình gianh gia vọng tộc, thuộc giới thượng lưu và một cô gái từ trại trẻ mồ côi cùng đứng trong một kịch bản. Những mâu thuẫn này sinh, hai thái cực trái ngược nhau nhưng trên tất cả họ có mục đích riêng. Có những bản lĩnh riêng để giải quyết vấn đề của mình. Sự nhín nhường, kiên nhẫn, tính thẳng thắn của nhân vật.v.v Trong những sự kiện của gia đình Trực Nhân, Bách Hợp phải đối diện với những thứ xa lạ với mình. Khẳng khái trước sự giả dối của những người được gia đình Trực Nhân cưu mang. Tiểu thư giả đã có những lời lẽ xuất phát từ chính kiến của mình. Những lời lẽ nặng nề được đưa ra vói những kẻ kia, Trực Nhân tát cô. Và câu nói ấn tượng với mình ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Vượt qua mọi khó khăn, giải quyết những mâu thuẫn trong gia trình Trực Nhân dần dần khiến họ xích lại gần nhau. Khi cùng nhau xử lý những mối lo chung, công việc mang họ lại gần nhau và dần dần Nham Kỳ Bách Hợp (giả) chứng minh bản lĩnh của mình, cáng đáng được việc của chị dâu lớn trong gia đình. Trực Nhân cũng dần hiểu được câu chuyện của Bách Hợp (giả), vì muốn có tiền cứu bạn đang bị ung thư ở trại trẻ mồ côi, cô chấp nhận hợp đồng hôn nhân giả đó để cứu bạn.

Các ngươi vì lợi ích công ty mình. Còn tôi vì muốn kiếm tiền cho tôi. Vậy thì làm đi.

Lời nói của tiêu thư với vị quản gia như một cam kết của cô với kịch bản trên. Bài phát biểu của Nham Kỳ Bách Hợp trong tiệc cưới xua tan đi mọi nghi vấn của những người xung quanh (hiển nhiên nó vẫn là giả?). Chứng tỏ bản lĩnh của cô, điều đã làm Trực Nhân ngỡ ngàng…

Xuyên suốt câu chuyện là tính nhân văn, lòng trung thành, sự tận tụy trong công việc và đeo đuổi mục tiêu. Khi chúng ta sống có mục đích, mục tiêu trong sáng, những trở ngại chẳng là gì so với kết quả đạt được. Một kết cục có hậu của bộ phim rất đáng để chúng ta xem. Quan trọng hơn cả vẫn là những bài học ta học được từ bộ phim này.

Hồi còn sinh viên, xim phim này mình đặc biệt ấn tượng với nhân vật Trực Nhân. Cách đi đứng và nói năng, cách anh ta tiếp quản gia đình cho đến đối nhân xử thế. Cách chinh phục tiểu thư Bách Hợp (giả) khi anh nhận thấy khí chất tuyệt vời từ cô. Cách mà Trực Nhân bước tới đứng dối diện với những con người mà anh ta phải đối đáp. Quá tuyệt vời để học hỏi.

Xưa kia phim chiếu trên truyền hình thì họ Việt hóa tên nhân vật. Hiện giờ tìm không thấy nữa, tên đã dùng kiểu phiên âm. Cái tên “Trực Nhân” và “Bách Hợp” nó ghi dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí. ?

Thế anh có đau ở đâu không?
Anh em nhà bác sĩ – Korea

Đây là bộ phim gây lên một cơn sốt về phim Hàn Quốc, sau hàng loạt phim như Hoa Cúc Vàng, Con Trai con Gái… Thời điểm mà nền điện ảnh Hong Kong đang chuyển pha. Các motiv của phim HK trở nên quá quen thuộc thậm chí đến nỗi nhàm chán thì luồng gió mới của phim Hàn thực sự mang đến cho người xem những háo hức nhất định.

Anh em nhà bác sĩ là một trong những bộ phim hay, motiv hoàn toàn khác và đậm chất Hàn. Bệnh viện, bệnh hiểm nghèo, yêu đương tay 3… Mượn những vấn đề đó để gửi gắm vào những thông điệp mà tác giả kịch bản muốn truyền tải tới người xem.

Anh em nhà bác sĩMedical Brothers
3 nhân vật chính của phim Anh em nhà bác sĩ

Cách thể hiện tình yêu của mỗi nhân vật trong phim khác nhau, mỗi người có một nỗi khổ riêng và luôn che dấu đi nỗi đau ấy trước người thân. Những che đậy bề ngoài kiểu “tôi ổn” dẫn đến những ứng suất (stress) nặng nề trong nội tâm từng người. Mỗi khi gặp nhau, vẻ bề ngoài của mỗi người và câu chuyện trao đổi liên quan đến công việc có thể làm cho đôi bên đặt những câu hỏi. Vì cùng một nghề với nhau, một câu hỏi không thể hay hơn khi “Thế em có đau ở đâu không?“. “Anh có đau ở đâu không?

Liệu vấn đề của anh/em có thể chia sẻ được không? Có cần một phương thuốc nào chữa khỏi hay làm dịu đi không? Sự quan tâm đến nhau được thể hiện qua câu hỏi trên, nhưng vấn đề là làm sao để dãi bày? Làm sao có thể chia sẻ được? Xem phim, bạn là người ngoài cuộc để theo dõi diễn biến nội tâm từ các bên, do vậy bạn nắm được nỗi đau của từng người. Nhưng nếu đặt mình là một trong những nhân vật đó, hẳn không dễ để hiểu chút nào. Mối quan hệ chất đầy những hiểu lầm, nếu phía nào đó nản chí, bỏ cuộc, sự hiểu lầm ấy mãi mãi chôn vùi và đến lúc nào đó nhận ra, mọi thứ đã đi xa mãi mãi.

Sự lạnh lùng của bác sĩ Kim Soo Hyung đôi khi làm người xem cảm thấy tức tối và làm cho Min Joo mệt mỏi. Là người yêu của nhau, muốn biết những điều liên quan đến nhau nhưng dường như mọi điều thuộc về nỗi đau của Soo Hyung thì Min Joo không được biết. Có lẽ thế, đầy chất đàn ông, khác xa sự ủy mị hoặc sến kiểu phim HK. Nếu không đem được niềm vui hay niềm hạnh phúc cho người mình yêu, những sự khổ đau cũng đừng mang tới họ. Cái chết của bác sĩ Kim Soo Hyung làm vỡ tung các ứng suất trong lòng mọi người thân, Min Joo, Joon Ki (anh trai của Kim Soo Hyung). Để lại những tiếc nuối và tình yêu thương mãnh liệt cho những người quanh Kim.

Câu hỏi “Thế anh/em có đau ở đâu không?” cứ lặp đi lặp lại trong phim khiến bạn không thể không nhớ khi xem.? Cảnh quay lãng mạn, chuyện tình cũng thế.

Thập diện mai phục: Trên suốt chặng đường này, ta còn đau khổ hơn ngươi.

Luz Clarita trái tim bé bỏng: phim này có nhiều câu hay, mà tôi học được để trang bị cho mình. Dù rằng thời điểm đó, có quá nhiều người chê phim này nó “bà cụ non”. Bỏ qua chuyện đó đi. Hãy chắt lọc lấy cái hay.

  1. Cánh cửa không mở là cánh cửa cuối cùng mà ta không gõ. Câu nói này của tỷ phú Mariano nói với con trai mình. Khi Hô sê (tên cậu ấy) dự định làm 1 dự án lớn mà không lệ thuộc cha. Chắc hẳn muốn tự lập và thoát khỏi bóng của cha. Từ sáng sớm, Hô Sê đứng ở cầu thang chờ Mariano để hỏi ý kiến. Người cha đón con và chỉ vào thư viện gia đình ngồi chờ. Khi ông vào, cậu ấy trình bày abc xyz về dự án đó. Hỏi cha cho ý kiến. Mariano chỉ nói câu trên. Rồi cười với con, vỗ vai và nhắn nhủ thêm trước khi bước đi. Câu này thực sự ảnh hưởng dữ dội đến tư duy của mình sau này. Ta sẽ bàn ở bài viết chi tiết cho câu này nhé.
  2. Chim với cá thương nhau thì không có điều chi ngăn cản, vấn đề là xây tổ ở đâu?” Câu nói này của bà Panchita nói với Soledad khi ngồi chờ ông Mariano tới. Vì hai người có hẹn nhau sẽ gặp ở trại trẻ mồ côi, nơi bà Soledad làm việc. À tất nhiên là Luz Clarita xuất phát từ đây. Hai người (Soledad – Mariano) có 2 xuất thân khác nhau hoàn toàn. Fanchita là người hiểu được điều đó, nên khi thấy Soledad cứ đi ra đi vào trông ngóng, khi đã trễ mà chưa thấy, Panchita thương cảm và nói với Soledad như vậy. Nếu ai xem phim hẳn dễ hiểu hơn nhiều. Và kết cục như thế nào, chắc bạn đã biết. Cuộc đời có nhiều cái không thể nhưng vẫn có thể, bởi đâu đó nó có nút thắt của vấn đề. Bạn chỉ cần có niềm tin. Không ai không thương cảm cho Soleda, liệu mâu thuẫn sẽ giải quyết ntn? Bạn xem thêm bài viết riêng về câu này nhé. Tôi sẽ trình bày sự hiểu về nó cho bạn nghe.
Soledad Panchita Mariano

Oh. Viết tới đây mới nhận ra là còn hàng chục câu nói hay nữa và bộ phim mà nó mang lên. Nhưng viết như vầy chắc chết người xem, vì quá khó thống kê cũng như định hướng. Để tôi nghĩ thêm.

Câu nói hay tất nhiên không thể thiếu các câu trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc. Sẽ có liệt kê những câu mà nó ảnh hưởng tới tôi về cách nhận thức. Nhưng trước tiên cứ đi cho hết các câu hay trong phim điện ảnh trước.

(còn tiếp)

Dragon.TQL

2 thoughts on “Các câu nói hay trong phim

    • Dragon says:

      Đã viết gì đâu, đây mới là cái mục lục thôi. Từng câu hay ấy sẽ có 1 bài phân tích riêng, chi tiết để làm rõ ý hay của nó.

Comments are closed.